Thân thế và sự nghiệp Lê Quang Tung

Ông sinh ngày 13 tháng 6 năm 1919 tại Giáo xứ An Vân, thuộc làng An Vân Thượng, xã Hương An, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình trung nông theo đạo Công giáo.[3] Thiếu thời ông học Tiểu học và Trung học ở Huế.[4]. Năm 1943, ông thi đậu Trung học đệ nhất cấp[5] với văn bằng Thành chung.

Ngành An ninh Liên hiệp Pháp

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo mộ đạo, ông sớm hình thành đức tin cuồng tín và chống Cộng mãnh liệt. Vì vậy, sau khi Pháp tái chiếm Huế (ngày 7 tháng 2 năm 1947) trong cuộc Chiến tranh Đông Dương, gia đình ông và nhiều gia đình khác cùng thôn hồi cư. Ngay sau đó ông bắt đầu làm việc cho cơ quan An ninh ở Huế do Thủ hiến Trần Văn Lý thành lập.[6] Sau đó, ông được cử đi làm Trưởng ty An ninh ở Quảng Trị.[7]

Tháng 6 năm 1948, ông Phan Văn Giáo lên làm Quốc vụ khanh kiêm Tổng trấn Trung Kỳ. Với sự ra đời của "Giải pháp Bảo Đại" và chuẩn bị tiến tới thành lập Quốc gia Việt Nam, chính quyền Pháp đã tiến hành cải tổ nhẹ cơ sở cai trị tại Đông Dương. Tuy bộ máy hành chính vẫn giữ nguyên, nhưng tên gọi các cơ quan và các chức vụ hành chính được đổi tên để tránh gợi nhớ lại thời thuộc địa trước đây. Cấp Kỳ được đổi sang cấp Phần. Các chức vụ Chủ tịch Ủy ban Lâm thời Hành chánh và Xã hội Bắc Kỳ, Hội trưởng Hội đồng Chấp chánh Lâm thời Trung Kỳ, Thủ tướng Nam Kỳ, được đổi thành chức vụ Thủ hiến Bắc phần, Trung phần và Nam phần. Các Sở An ninh cũng được đổi thành Nha Công an. Năm 1950, ông được thuyên chuyển về làm việc tại Nha Công an Trung phần ở Huế do ông Trần Trong Sanh làm Giám đốc.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Vào khoảng năm 1950, có lẽ trong thời gian tùng sự tại Huế, ông tham gia phong trào thanh niên Công giáo tại miền Trung, chịu ảnh hưởng chủ thuyết Cần lao Nhân vị do ông Ngô Đình Cẩn lãnh đạo, nên ông gia nhập vào đảng này với tư cách hội viên cảm tình đảng.

Năm 1952, ông được gọi đi học khóa 2 sĩ quan trừ bị Nam Định nhưng trường này chỉ đào tạo có một khóa là khóa 1 Lê Lợi rồi ngưng tiếp nhận thí sinh. Do đó ông được chuyển vào Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức ở trong Nam. Vì trường Thủ Đức chưa xây dựng hoàn chỉnh nên đến năm 1953 ông mới được nhập học vào khóa 3 phụ,[8] khai giảng ngày 1 tháng 9 năm 1953. Ngày 16 tháng 3 năm 1954 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy và chính thức trở thành đảng viên đảng Cần lao Nhân vị. Ra trường, ông được phân bổ làm sĩ quan tình báo (sĩ quan Ban 2) tại Tiểu đoàn 53 Bộ binh đóng tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Sau Hiệp định Genève 20 tháng 7 năm 1954, ông được thăng cấp Trung úy và được bổ nhiệm làm Trưởng ty An ninh Quân đội Thừa Thiên ở Huế

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Tháng 11 năm 1955, chuyển biên chế từ Quân đội Quốc gia sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được thăng cấp Đại úy và được bổ nhiệm làm Chánh sở An ninh Quân đội Trung phần ở Huế. Vì là một tín đồ Công giáo, đảng viên Cần Lao, lại là một sĩ quan quân đội, ông sớm được sự tín cẩn của ông Ngô Đình Cẩn. Vì vậy, cùng trong năm này, ông cùng với Trung úy Nguyễn Văn Châu[9] được ông Ngô Đình Nhu giao nhiệm vụ tham gia thành lập Quân ủy Trung ương đảng Cần Lao[10]